Vợ Sinh Con Chồng Được Hưởng Chế Độ Gì?

1. Chế độ thai sản là gì? 

“Chế độ thai sản là một chế độ BHXH bắt buộc được trợ cấp bằng tiền nhằm thay thế cho thu nhập bị giảm hay bị mất trong các trường hợp thai sản theo quy định của Luật BHXH”. 

2. Quyền lợi hưởng chế độ thai sản dành cho đối tượng nào?

Đối tượng hưởng chế độ thai sản, quyền lợi cần biết khi sinh con với cả vợ và chồng đã được căn cứ theo Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bao gồm:

  • Lao động nữ mang thai;
  • Lao động nữ sinh con;
  •  Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
  •  Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; 
  • Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; 
  • Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

3.  Điều kiện để hưởng chế độ thai sản

Với mỗi một trường hợp thai sản trên bạn phải đáp ứng điều kiện hưởng cho từng trường hợp cụ thể. 

  • Trường hợp: Đối với lao động nữ sinh con. Người lao động nữ cần đóng BHXH bắt buộc tối thiểu 6 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh con.
  • Trường hợp Lao động nữ phải nghỉ dưỡng thai thì đóng BHXH tối thiểu 3 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Lưu ý: lao động nữ trước đó đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền – khoản 3 Điều 31, Luật BHXH).
  • Đối với lao động nam sẽ được hưởng một hoặc cả hai chế độ sau: 

*) Chế độ Lao động nam nghỉ chế độ khi vợ sinh con: (nghỉ việc để chăm vợ sinh con). Để được hưởng chế độ này LĐ nam chỉ cần đang đóng BHXH tại thời điểm vợ bạn sinh con. Thời gian nghỉ là:

– 5 ngày làm việc với vợ sinh 1 con thường;

– 7 ngày làm việc với vợ sinh con phẫu thuật hoặc con dưới 32 tuần tuổi;

– 10 ngày làm việc với vợ sinh đôi, từ sinh 3 mỗi con thêm 3 ngày làm việc

– 14 ngày làm việc với vợ sinh đôi phẫu thuật

*) Chế độ Trợ cấp sinh con một lần (trợ cấp tã lót). Để được hưởng chế độ này, LĐ nam cần đáp ứng những điều kiện sau:

– LĐ nam có vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản (không đóng hoặc đóng không đủ điều kiện) căn cứ theo điểm c Khoản 2 Công văn số 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 8/9/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

– LĐ nam đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con

4. Thời gian nghỉ chế độ thai sản

Thời gian nghỉ chế độ thai sản được căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, cụ thể như sau:

Đối với lao động nữ đi khám thai

  • Lao động nữ được nghỉ việc 5 lần để đi khám thai, mỗi lần tối đa 1 ngày. Nếu cơ sở thăm khám ở quá xa hoặc người mang thai có bệnh lý thì mỗi lần khám sẽ được ưu tiên tối đa 2 ngày.
  • Thời gian nghỉ không tính các ngày lễ, Tết hay các ngày nghỉ cuối tuần bình thường của đơn vị làm việc.

Đối với lao động nữ bị sảy thai, nạo hút thai, thai lưu hoặc phá thai bệnh lý

Đối với trường hợp lao động nữ đã từng sảy thai, nạo, hút thai hoặc phá thai bệnh lý thì thời gian hưởng chế độ thai sản được quy định như sau: 

  • Thai dưới 5 tuần: 10 ngày
  • Thai từ 5 tuần đến dưới 13 tuần: 20 ngày
  • Thai từ 13 tuần đến dưới 25 tuần: 40 ngày
  • Thai từ 25 tuần tuổi trở lên: 50 ngày

Thời gian nghỉ chế độ thai sản bao gồm các ngày nghỉ lễ, ngày Tết, ngày nghỉ hàng tuần

  • Đối với các trường hợp đặc biệt thì thời gian nghỉ thai sản sẽ khác nhau.

Đối với người lao động khi sinh con

Đối với lao động nữ:

  • 6 tháng là thời gian mà lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con. Trong đó, lao động nữ không được nghỉ trước sinh quá 02 tháng.
  • Đối với lao động nữ sinh trong trường hợp sinh đôi trở lên, cứ thêm mỗi con, người mẹ sẽ được phép nghỉ thêm 1 tháng.

Đối với lao động nam:

  • Trường hợp thông thường, lao động nam đóng BHXH được nghỉ 05 ngày khi có vợ sinh con.
  • Trường hợp vợ sinh con phẫu thuật, thời gian nghỉ là 07 ngày.
  • Trường hợp sinh đôi: Nghỉ 10 ngày.
  • Trường hợp sinh ba trở lên, cứ thêm mỗi con thì lao động nam được nghỉ thêm 03 ngày.
  • Nếu vợ sinh đôi và phải phẫu thuật, lao động nam được nghỉ 14 ngày làm việc.

Lưu ý:  Thời gian hưởng chế độ không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần. NLĐ nghỉ hưởng chế độ trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, nếu có nghỉ những ngày trước khi vợ sinh con thì tính là nghỉ không lương, nghỉ phép của NLĐ.

Nếu thực hiện các biện pháp tránh thai, lao động nữ sẽ được thời gian nghỉ như sau:

  • Đối với trường hợp đặt vòng tránh thai: 7 ngày
  • Đối với trường hợp triệt sản: 15 ngày

Trong trường hợp người lao động nam hoặc nữ nhận nuôi con nuôi từ 6 tháng tuổi trở xuống 

  • Thì sẽ được nghỉ việc và hưởng chế độ cho đến khi con tròn 6 tháng tuổi.

5. Thủ tục hưởng chế độ thai sản

Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại luật bảo hiểm năm 2014 quy định cụ thể như sau:

Những thủ tục cần thiết để hưởng quyền lợi thai sản

Thủ tục hưởng chế độ thai sản đối với người vợ:

Hồ sơ bao gồm: 

  • Bản sao giấy chứng sinh
  • Hoặc bản sao giấy khai sinh
  • Hoặc trích lục khai sinh

Đối với trường hợp vợ sinh con hoặc phẫu thuật khi con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì cần phải có các giấy tờ của cơ sở thăm khám để xác minh thông tin.

Đối với trường hợp con mất sau sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì có thể thay thế bằng trích sao hoặc bản tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện để xác minh thông tin.

Thủ tục hưởng chế độ thai sản của người chồng

  • Giấy khai sinh có họ tên cha; hoặc Giấy chứng sinh + Sổ hộ khẩu có tên người cha
  • Trường hợp con chết: Giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của con hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của mẹ nếu con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh (nếu có)
  • Giấy xác nhận của cơ sở y tế trong trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật (nếu có)
  • Nộp hồ sơ theo mẫu: 01B-HSB

6. Thời gian hưởng hồ sơ thai sản

Thời hạn nộp hồ sơ:

  • Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày trở lại làm việc người lao động phải nộp hồ sơ cho doanh nghiệp.
  • Đơn vị trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của NLĐ) phải nộp cho cơ quan bảo hiểm.

Như vậy, thời hạn chậm nhất 55 ngày kể từ ngày NLĐ nam và nữ đi làm trở lại thì phải nộp hồ sơ hưởng chế độ lên cơ quan BHXH, quá hạn sẽ không được giải quyết hưởng chế độ thai sản.

7. Quy trình nộp hồ sơ thai sản

Để được hưởng bảo hiểm thai người lao động cần thực hiện nộp hồ sơ theo quy trình sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

  • Bạn cần nộp hồ sơ đầy đủ như đã liệt kê ở trên cho người sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc.
  • Người lao động có thể nộp trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Tổng hợp hồ sơ

  • Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan BHXH trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của bạn.

Bước 3: Cơ quan bảo hiểm giải quyết, xử lý hồ sơ

  • Tối đa 6 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ đối với trường hợp do người sử dụng lao động đề nghị.
  • Tối đa 3 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ đối với trường hợp người lao động, người thân của người lao động trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.

8. Mức hưởng chế độ thai sản

Đối với lao động nữ

Đối với người lao động nữ khi sinh con sẽ được hưởng tiền thai sản gồm 2 khoản: Tiền trợ cấp một lần và tiền thai sản.

Thứ 1: Tiền trợ cấp một lần khi sinh con

Căn cứ theo Điều 38, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi sẽ được hưởng tiền thai sản:

Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 lần mức lương cơ sở (2 tháng * 1.490.000 vnđ/ tháng)

Thứ 2: Tiền chế độ thai sản: Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014:

Mức hưởng hàng tháng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Mức hưởng bảo hiểm thai sản trong 06 tháng = tiền lương trung bình 6 tháng liền kề * 6 tháng

Như vậy mức lương bạn đóng trong 12 tháng liên tục là 5.500.000vnđ. Tiền bảo hiểm bạn được hưởng là:

                          5.500.000vnđ *6 = 33.000.000 vnđ

Trợ cấp một lần khi sinh con = 2 x 1.490.000 x 1 = 2.980.000 đồng

Tổng tiền trợ cấp thai sản bạn sẽ nhận được là: 33.000.000 + 2.980.000 = 35.980.000 đồng 

 

Mức hưởng thai sản của chồng

Do bạn đã đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, nên chồng bạn được hưởng chế độ nghỉ việc để chăm vợ sinh con.

Mức hưởng = Mbq6t  / 24 ngày công x 100% x số ngày được nghỉ

Trong đó:

  • Mbq6t : Bình quân mức lương đóng BHXH 6 tháng trước khi vợ sinh của NLĐ nam;
  • Nếu trưởng hợp người lao động đóng bảo hiểm chưa đủ 6 tháng thì Mbq6t = bình quân lương các tháng đã đóng BHXH.

VD: Trường hợp của chồng của bạn đã đóng được bảo hiểm trong 06 tháng với mức lương 6.500.000 đồng, vợ bạn sinh con thông thường, bạn sẽ được nghỉ 05 ngày.

Mức  hưởng = 6.500.000 đ/ 24 * 5 ngày * 100%  = 1.354.000 vnđ

Bài viết có sự tham khảo nguồn từ trang Bảo hiểm xã hội và Thư viện pháp luật, trang chính thống về pháp luật tiền lương và bảo hiểm.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Để lại bình luận

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận