Các câu hỏi tuyển dụng sinh ra là để thử thách ứng viên. Và các nhà tuyển dụng lão luyện sẽ có những cách thức vô cùng khéo léo để tìm ra ứng cử viên hoàn hảo.
Vì vậy, để tránh bị “khớp” khi phỏng vấn, hãy áp dụng những cách trả lời các câu hỏi tuy đơn giản nhưng đặc biệt nguy hiểm sau cùng HR Eduplus nhé!
Hãy giới thiệu cho chúng tôi về bản thân bạn?
Đây không phải lúc để bạn kể lể về cuộc sống cá nhân, mà phải tập trung vào giá trị tiềm năng của bản thân, vào những gì mình có thể cống hiến cho công ty.
Nhà tuyển dụng muốn nghe về những thành tựu của bạn trong 2-3 câu ngắn gọn. Và họ sẽ chỉ nghe những thông tin mà ta nêu ra.
Vì vậy, hãy tỉnh táo và kể ra những điểm mạnh nhất của bạn.
Bạn hãy mô tả bản thân bằng một từ?
Với câu hỏi này, họ muốn biết về tính cách, độ tự tin trong việc nhận thức về bản thân và liệu phong cách làm việc của bạn có phù hợp với công việc này hay không.
Đây sẽ là một câu hỏi khó nhằn nếu được đưa ra ở ngay đầu cuộc phỏng vấn, vì ta chưa biết họ đang tìm kiếm tính cách gì ở ứng viên.
Hầu hết các nhà tuyển dụng ngày nay cần tìm những người chịu được áp lực, lạc quan, trung thực, đáng tin cậy và tận tụy. Đây là cơ hội để bạn mô tả những đặc tính tốt nhất của mình mà phù hợp với công việc.
Bạn thấy vị trí này thế nào khi so sánh với những vị trí khác mà bạn đang ứng tuyển?
Ý của nhà tuyển dụng là: “Bạn có đang ứng tuyển cho công việc nào khác không?” Người phỏng vấn muốn nghe bạn nói về các công ty khác hoặc các vị trí bạn quan tâm.
Đừng nói: “Đây là công việc duy nhất tôi ứng tuyển”. Rất ít ứng viên chỉ xin việc ở một công ty – họ có thể cho rằng bạn đang không trung thực.
Nên nói: “Tôi cũng đang ứng tuyển ở một số nơi, tuy nhiên, tôi vẫn chưa quyết định đâu là nơi phù hợp nhất cho bước tiến sắp tới của mình.”
Bạn hãy nêu ba điểm mạnh và ba điểm yếu của mình?
Mỗi công việc có đặc điểm khác nhau, nên hãy chọn những điểm mạnh phù hợp với vị trí này, và nêu một mặt tích cực khi nói về điểm yếu.
Ít nhất là hãy nói về những hành động tích cực bạn đã thực hiện để cố gắng làm giảm thiểu những yếu điểm của mình.
Điểm mạnh của bạn có thể sẽ không phù hợp với các kỹ năng và phong cách làm việc cần thiết cho công việc. Nên tốt nhất là chuẩn bị câu hỏi này trước, hoặc bạn sẽ có nguy cơ bị loại cao.
Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?
Họ muốn biết điều gì khiến bạn cảm thấy hứng thú nhất, bạn đã nghiên cứu về công ty và công việc ra sao, và bạn muốn công việc này đến mức nào.
Họ cũng muốn biết rằng bạn sẵn sàng làm việc; rằng bạn nhiều năng lượng; bạn có thể đóng góp nhiều cho công ty; bạn hiểu nhiệm vụ và mục tiêu của họ; và bạn muốn trở thành một phần của sứ mệnh đó.
Tại sao bạn muốn bỏ công việc hiện tại?
Người phỏng vấn muốn xác định xem bạn có vấn đề khi làm việc với người khác hay không, bạn có nhanh chán hay không v.v…
Vì vậy hãy cẩn trọng. Nếu bạn không khôn khéo, câu trả lời của bạn có thể gây nghi ngờ hoặc khiến bạn mất hoàn toàn cơ hội.
Điều bạn tự hào nhất trong sự nghiệp của mình là gì?
Họ muốn hiểu về thứ bạn đam mê, bạn cảm thấy mình giỏi ở mặt nào, và liệu bạn tự hào về công việc của mình không.
Đây là lúc nhà tuyển dụng sẽ xem xét khả năng ăn nói và truyền cảm hứng, cũng như năng lượng tích cực tới người khác của bạn.
Nhưng hãy lưu ý: Khi chia sẻ về thành công của mình, hãy nói thật súc tích. Khả năng thuyết trình có thể để dành sau khi bạn nhận được việc.
Bạn hợp và không hợp với kiểu sếp và đồng nghiệp nào nhất, tại sao?
Để trả lời câu hỏi này, bạn phải thật bình tĩnh và tỉnh táo.
Bạn sẽ bị xem là khó hợp tác khi thừa nhận mình không hợp làm việc với người khác.
Hãy bắt đầu với những điều tích cực và giảm bớt những câu chuyện tiêu cực. Đây không phải là lúc để kể về những thiếu sót cá nhân. Đây là cơ hội để nói về những đặc điểm mà bạn ngưỡng mộ ở người khác và thể hiện rằng mình đủ linh hoạt để làm việc với nhiều kiểu người.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc trở thành một doanh nhân chưa?
Trong hầu hết các trường hợp, câu hỏi này có nghĩa là liệu bạn có ý định bỏ việc và tự mở công ty riêng không.
Đừng nói về mong muốn trở thành sếp của mình. Họ sẽ lo sợ rằng bạn vẫn hy vọng tự lập nghiệp và sẽ bỏ trốn.
Hãy nói bạn từng nghĩ đến việc kinh doanh hoặc từng làm việc độc lập, rằng bạn đã trải nghiệm hoặc suy nghĩ về nó, nhưng nó không phù hợp với bạn.
Bạn cũng có thể làm dịu đi nỗi sợ hãi của họ bằng cách giải thích chính xác tại sao công ty của họ lại hấp dẫn bạn.
Nếu được nhận vào bất kỳ công ty nào, đâu sẽ là sự lựa chọn của bạn?
Tập trung vào công việc hiện tại, đừng để bị cuốn vào cuộc thảo luận và vô tình để lộ sự quan tâm đến một công ty nổi tiếng nào đó.
Nhà tuyển dụng muốn biết công ty họ có phải là lựa chọn hàng đầu của bạn không.
Nên đáp lại: “Trên thực tế, tôi đã nghiên cứu rất nhiều công ty, và công ty này có vẻ phù hợp với tôi. Thật thú vị vì công ty đang làm trong ngành…, và tôi rất muốn đóng góp.”
Tại sao bạn lại bị sa thải?
Họ muốn thấy sự tích cực, sẵn sàng trở lại làm việc với một thái độ tuyệt vời và sự tự tin của bạn chứ không phải sự chống chế hay giận dữ.
Bạn có thể thấy cay cú hoặc tức giận vì bị sa thải, và câu hỏi này có thể khiến bạn nói xấu về sếp cũ. Nhưng thay vào đó, hãy giữ bình tĩnh và nói về quyết định nghề nghiệp sau khi bị sa thải.
Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn kiếm được 5 triệu đô?
Người phỏng vấn muốn biết liệu bạn vẫn sẽ làm việc ngay cả khi đã có tiền.
Họ muốn nghe bạn sẽ tiếp tục làm việc vì bạn đam mê – và bạn sẽ có những quyết định tài chính thông minh.
Phản hồi của bạn cho câu hỏi này cho thấy động cơ và đạo đức làm việc của bạn.
Bạn đã bao giờ bị yêu cầu làm việc không liêm chính bởi người giám sát hoặc đồng nghiệp chưa? Hãy kể cho chúng tôi nghe về nó.
Nhà tuyển dụng đang đánh giá đạo đức của bạn bằng cách hỏi bạn một tình huống tế nhị. Bạn có xử lý khôn khéo không? Có phản ứng dữ dội không? Quá trình suy nghĩ của bạn như thế nào?
Họ muốn biết bạn giải quyết những vấn đề nhạy cảm ra sao và cũng cảnh giác với những người nói xấu sếp cũ.
Hãy trả lời rõ ràng, súc tích, và chuyên nghiệp, mà không tiết lộ bất kỳ hành động nội bộ nào của người sếp cũ.
Hãy cho chúng tôi biết lý do khiến ai đó không thích làm việc với bạn?
Nếu bạn nói: “Tôi không thể nghĩ ra lý do nào để mọi người không thích làm việc với mình,” nó sẽ có ý xúc phạm người phỏng vấn khi bạn giảm tầm quan trọng của câu hỏi này.
Hãy nói rằng: “Tôi đã may mắn có được mối quan hệ tốt ở tất cả các công việc của mình”.
Hay: “Lần duy nhất mà tôi không được lòng mọi người cho lắm – dù chỉ tạm thời thôi – là khi tôi phải thử thách nhân viên để họ làm việc tốt hơn. Đôi khi tôi cảm thấy chúng ta phải đưa ra những quyết định khó khăn vì lợi ích lớn hơn của công ty”.
Bạn sắp xếp thời gian để tới buổi phỏng vấn này thế nào? Sếp của bạn sẽ nghĩ bạn đang ở đâu?
Họ muốn tìm hiểu các ưu tiên của bạn: công việc hiện tại trước, buổi phỏng vấn sau; bạn có coi trọng công việc tại công ty nếu bạn làm cho công ty họ trong tương lai.
Họ cũng muốn biết bạn xử lý những tình huống khó xử như thế nào khi bạn không thể thành thật với sếp. Câu trả lời hay nhất là: bạn đến buổi phỏng vấn trong giờ nghỉ giải lao; giải thích rằng bạn luôn đặt công việc của mình lên đầu, và đến phỏng vấn trước hoặc sau giờ làm việc, vào giờ ăn trưa, vào cuối tuần, hay trong thời gian nghỉ cá nhân.
Đã có khi nào bạn không đồng ý với chính sách của công ty chưa?
Thật khó tin khi bạn nói “tôi chưa bao giờ không đồng ý với chính sách của công ty.”
Trong khi các công ty muốn các nhà lãnh đạo và nhân viên làm theo các quy tắc, họ cũng muốn sẽ có người phản ánh những chính sách lạc hậu, can đảm chống lại và đề xuất thay đổi.
Hãy nói lên ý tưởng của bạn về việc thay đổi chính sách là có lợi cho công ty.
Nguồn Nhịp Sống Kính Tế
[…] Nghệ Thuật “Né Bẫy” Của Nhà Tuyển Dụng Khi Đi Phỏng Vấn […]