Lương Tháng 13 Là Gì? Quy Định & Cách Tính Lương Tháng 13

Lương tháng 13 chủ đề chưa bao giờ hết “hot” tại doanh nghiệp, đặc biệt là vào những dịp cuối năm, giáp Tết như hiện nay. Vậy lương tháng 13 là gì? Cách tính lương tháng 13 như thế nào? Hãy cùng HR Eduplus tìm hiểu kĩ hơn về quản phúc lợi này.

1. Lương tháng 13 là gì?

Lương tháng 13 là cách gọi tên một khoản tiền thưởng vào cuối năm (dương lịch, thường vào tháng 12) và được thoả thuận giữa công ty với NLĐ. Lương tháng 13 không phải là thưởng Tết âm lịch vì tại một số công ty, họ có cả lương tháng 13 và thưởng Tết. 

Lương tháng 13 là một trong những chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp

Đây có thể coi là một khoản phúc lợi đặc biệt trong chiến lược đãi ngộ nhân sự mà doanh nghiệp đưa ra để thu hút ứng viên cũng như giữ chân hiền tài. Vậy lương tháng 13 có phải là khoản lương bắt buộc mà doanh nghiệp phải trả và tất cả người lao động đều nhận như nhau không?

Theo luật doanh nghiệp, khoản lương tháng 13không bắt buộc doanh nghiệp phải trả cho NLĐ. Khoản phúc lợi này phụ thuộc vào quá trình thỏa thuận ban đầu của hai bên và còn bị phù thuộc vào tình hình kinh doanh – sản xuất của doanh nghiệp, kết quả làm việc của NLĐ.

2. Quy định về lương tháng 13

Khái niệm Lương tháng thứ 13 chưa được quy định cụ thể trong Bộ Luật Lao động. Tuy nhiên, để hiểu được bản chất của khoản phúc lợi này, cần căn cứ vào khái niệm tiền thưởng tại điều 103, cụ thể:

Tại Khoản 1 của Điều 103, Bộ Luật lao động năm 2012, tiền thưởng là khoản mà doanh nghiệp thưởng cho người lao động dựa vào hai tiêu chí: kết quả làm việc của người lao động và kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm.

Quy chế áp dụng tiền thưởng do doanh nghiệp quyết định và căn cứ vào các quy định riêng, có tham khảo của các tổ chức đại diện cho tập thể người lao động, điển hình như công đoàn của doanh nghiệp.

Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 hiện hành, thì không có quy định cụ thể nào về bắt buộc phải trả lương tháng 13, hay thưởng Tết cho người lao động.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động quy định, Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Vì vậy, đối với các doanh nghiệp đã ban hành Quy chế thưởng, thì phải tiến hành thưởng Tết theo hình thức và mức thưởng như đã cam kết theo Quy chế thưởng đang có hiệu lực.

3. Những điều NLĐ cần biết về mức hưởng lương tháng 13

Thuật ngữ lương tháng 13 không được quy định bằng văn bản Luật, nên khi tìm hiểu và áp dụng, rất nhiều người vẫn bị nhầm lẫn. Doanh nghiệp và NLĐ cần lưu những ý như sau:

  • Lương tháng 13 không phải là khoản tiền thưởng Tết Nguyên Đán. Vì tại nhiều doanh nghiệp, hai khoản này hoàn toàn tách biệt nhau. Điều này phụ thuộc vào quy chế thưởng riêng của từng đơn vị.
  • Tiền lương tháng thứ 13 không phải là khoản bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động. Nếu mức độ hoàn thành công việc không đạt hoặc tình hình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp không tốt, người lao động có thể không nhận được khoản thưởng này.
  • Lương tháng thứ 13 của người lao động có thể khác nhau và không có định mức cụ thể, phụ thuộc vào quy chế riêng của từng đơn vị và từng NLĐ.

4. Cách tính lương tháng 13

Cách tính lương tháng 13 cho NLĐ căn cứ vào những yếu tố nào?

Đối với mỗi doanh nghiệp, người sử dụng lao động có cách tính lương tháng 13 khác nhau, không cố định bằng công thức. Tuy nhiên, dưới đây là những phương pháp tính được nhiều đơn vị sử dụng căn cứ vào một số điều kiện cụ thể.

Quy định tính lương tháng thứ 13 

  • Người lao động có ký kết với doanh nghiệp bằng các văn bản như hợp đồng lao động có thời hạn, không xác định thời hạn.
  • Lao động có thời gian làm việc từ 01 tháng trở lên liên tục tính đến thời điểm tính lương tháng thứ 13.
  • Người lao động vẫn còn tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp đến thời điểm tính lương tháng thứ 13.

Cách tính

Lao động đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng lương thứ 13 sẽ được tính dựa vào số tháng làm việc trong năm:

NLĐ làm đủ 12 tháng sẽ được hưởng tháng lương thứ 13 tính bằng bình quân của 12 tháng lương trong năm tính thưởng. Mức lương tháng 13 = TLTB/ 12 tháng

Ví dụ 1: Anh B có mức lương từ tháng 1/2021 – 10/2021 là 12 triệu đồng/tháng; từ tháng 11/2021 là 15 triệu đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tháng 13 của anh B = [(12 triệu đồng x 10 tháng ) + (15 triệu đồng x 2 tháng)] /12 tháng = 12,5 (triệu đồng).

NLĐ chưa làm đủ 12 tháng sẽ được hưởng lương tháng 13 theo tỷ lệ số tháng làm việc trong 1 năm, cụ thể:

THƯỞNG THÁNG THỨ 13 =  M/12 x TLTB
Trong đó:  M: là thời gian người lao động làm việc trong năm tính thưởng. 
TLTB: là tiền lương trung bình tính theo thời gian người lao động làm việc.

Ví dụ 2: Chị A làm việc chính thức tại công ty từ tháng 08/2021, tính đến hết tháng 12/2021 là 05 tháng, mức lương là 07 triệu đồng/tháng.

Mức lương tháng 13 của chị A = (5 tháng/12 tháng) x 7 triệu đồng = 2,9 (triệu đồng).

5. Những lưu ý về lương tháng 13

Khi xây dựng cách tính tháng lương thứ 13. Người sử dụng lao động và bộ phận kế toán cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Tiền lương tháng 13 là khoản thu nhập chịu thuế, phải đóng thuế theo quy định.
  • Đơn vị sử dụng lao động chi trả lương tháng 13 cho người lao động vào tháng nào thì sẽ phải tính thuế thu nhập cá nhân vào tháng đó.
  • Số tiền lương tháng 13 người lao động được hưởng sẽ không tính đóng BHXH do bản chất là căn cứ vào tiền thưởng.

Như vậy, trên đây HR Eduplus đã cung cấp các thông tin để người lao động và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tháng lương thứ 13 và cách tính lương tháng 13. Hy vọng, bài viết hôm nay sẽ giúp quý đọc giả hiểu hơn về khoản phúc lợi này. Trước khi thỏa thuận, trao đổi khi ký kết hợp đồng để tránh những phát sinh không đáng có. Ngoài ra, các DN, tổ chức, cá nhân cũng nắm được bản chất để xây dựng quy chế lương thưởng tháng 13 hợp lý nhằm mục đích khuyến khích NLĐ cống hiến và làm việc hiệu quả.

Xem thêm:

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Để lại bình luận

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận