Ngày 21/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi hàng loạt các thủ tục hành chính có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, trong đó, có những điều chỉnh về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) sau khi bỏ Sổ hộ khẩu.
Từ ngày 1/1/2023 sẽ chính thức bỏ sổ hộ khẩu giấy theo quy định tại Luật Cư trú năm 2020. Vậy người dân cần lưu ý và chuẩn bị các giấy tờ BHXH thay thế như nào để quá trình thực hiện các thủ tục hành chính có sử dụng sổ hộ khẩu được thuận lợi và nhanh chóng.
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, cụ thể như sau:
1. Bỏ quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú với nhóm tham gia BHYT hộ gia đình
Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị định 104/2022/NĐ-CP (sửa đổi khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) quy định về nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình gồm:
Người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
(So với quy định hiện hành, thay thế “người có tên trong sổ hộ khẩu” bằng “người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú”)
Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú nêu trên.
(So với quy định hiện hành, thay thế “người có tên trong sổ tạm trú” bằng “những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú”)
Ngoài ra, các đối tượng sau đây được tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình:
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
- Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.
2. Bỏ yêu cầu về sổ hộ khẩu trong các biểu mẫu liên quan đến BHYT, BHYT hộ gia đình
Khoản 3, 4 Điều 2 Nghị định 104/2022/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP) điều chỉnh một số thông tin, yêu cầu trong các biểu mẫu liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế hộ gia đình như sau:
Bãi bỏ cụm từ “Số sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú)” tại Mẫu số 3 – Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
Theo đó, việc lập danh sách thành viên hộ gia đình khi đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình sẽ không còn yêu cầu phải có hộ khẩu giấy nữa.
3. Sửa hướng dẫn thủ tục nhận thẻ BHYT khi cấp lại, cấp đổi
Sửa đổi, bổ sung nội dung tại mục 4, phần hướng dẫn của Mẫu số 4 – Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, theo đó:
Cá nhân đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, khi đến nhận kết quả là tiền giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, viên chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hướng dẫn cá nhân như sau:
Người hưởng chế độ trực tiếp nhận
- Cung cấp giấy hẹn
- Thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (Bổ sung Căn cước công dân so với quy định hiện hành)
Người khác nhận thay
Nếu là thân nhân của người hưởng chế độ:
- Cung cấp giấy hẹn,
- Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
- Giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng bảo hiểm y tế
(Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nếu là người giám hộ:
- Cung cấp giấy hẹn
- Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
- Giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng bảo hiểm y tế
(Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
Trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật thì cung cấp:
- Giấy hẹn,
- Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân,
- Quyết định công nhận việc giám hộ của cấp có thẩm quyền.
(Bỏ quy định về cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, thay vào đó là bản sao Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời bổ sung quy định có thể cung cấp thẻ Căn cước công dân đối với thân nhân của người hưởng chế độ hoặc người giám hộ).
Nếu không phải là thân nhân hoặc người giám hộ nêu trên:
- Cung cấp giấy hẹn
- Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
- Giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành (Bổ sung Căn cước công dân so với quy định hiện hành)
Trên đây là những thông tin điều chỉnh về chính sách BHYT khi bỏ sổ hộ khẩu vào năm 2023, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay cho HR Eduplus để chuyên gia giải đáp kịp thời nhé!