Trước những biến động phức tạp của thị trường vĩ mô, năm 2023 được nhận định là một năm chuyển biến kinh tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn là cơ hội cho doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, các công ty, doanh nghiệp cần đi trước đón đầu những xu hướng mới để linh hoạt ứng biến nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo mục tiêu kinh doanh.
1. Hợp tác tuyển dụng bền vững
Hợp tác tuyển dụng là cách kết nối với các phòng ban khác trong quá trình tuyển dụng. Có thể nói đây chính là một khâu rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng ứng viên phù hợp:
- Họ giúp khắc họa rõ nét chân dung, cộng sự tương lai mà mình kỳ vọng, thế nào là hợp hay chưa, cần hay không?
- Các phòng ban chính là người “thân cận” nhất với các ứng viên tiềm năng của bạn, bởi những mối quan hệ xung quanh phù hợp với mục tiêu tuyển dụng.
Vì thế, việc bắt tay cùng các bộ phận có nhu cầu kết nạp thành viên trong quá trình tuyển dụng có thể giúp bạn xây dựng một nhóm ứng viên chất lượng, dồi dào, đồng chí hướng, làm việc hiệu quả và trung thành với doanh nghiệp.
Xu hướng hợp tác tuyển dụng đã thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp, kéo theo sự gia tăng của các chương trình giới thiệu dành cho bên ngoài và giới thiệu từ nhân viên nội bộ. Ngoài ra, sự hợp tác này còn thể hiện ở việc doanh nghiệp hay đơn vị tuyển dụng khuyến khích nhà quản lý các bộ phận khác xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng truyền thông, vừa tận dụng thông minh nguồn lực KOL sẵn có, vừa có được nguồn ứng viên chất lượng trong tầm ngắm, bung tin tuyển là hiện thân liền.
2. Tận dụng chiến thuật tiếp thị “must-have item”
Trâu đi tìm cọc hay cọc đi tìm trâu không quan trọng, quan trọng là cọc và trâu có thể tìm thấy nhau.
Khác với tuyển dụng truyền thống ngồi yên CV sẽ đến trong quá khứ, nhà tuyển dụng ngày nay cần phải marketing cho hoạt động tuyển dụng của mình thì ứng viên tiềm năng mới biết đến nhiều hơn, và khi cần cơ hội việc làm, họ cũng sẽ chủ động tìm đến bạn thay vì sa vào vòng tay của đối thủ.
Dưới sự trợ giúp của các chiến thuật tiếp thị marketing toàn diện (website, social media, group,…) với những chuyên đề hiệu quả các nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm, thu hút và nuôi dưỡng các ứng viên tài năng.
Tiếp thị marketing giúp quảng bá sự hiện diện của doanh nghiệp hoặc các vị trí công việc đến với ứng viên, truyền cảm hứng để họ đầy đủ niềm tin và hy vọng nộp đơn vào các cơ hội việc làm doanh nghiệp bạn đang tuyển. Bên cạnh đó còn góp phần giúp bạn dễ dàng sàng lọc ứng viên dễ dàng, chọn lọc và so sánh nhanh chóng.
3. Tập trung xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng
Thương hiệu Nhà tuyển dụng nâng cao vị thế cạnh tranh nhân lực và giữ chân nhân tài. Trước khi nộp đơn, người tìm việc hầu như đều nghiên cứu danh tiếng và thương hiệu của doanh nghiệp đó từ rất nhiều nguồn. Vì thế, các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn cầu bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng và sự hiệu nghiệm rõ rệt của việc duy trì hoặc cải thiện hình ảnh Thương hiệu Nhà tuyển dụng của họ.
Cũng giống như các thương hiệu trong mắt người tiêu dùng, ứng viên tương lai sẽ muốn gắn bó sự nghiệp của bản thân với một doanh nghiệp phù hợp, có tiếng tăm và đáng tin cậy trong ngành của họ. Do đó, xây dựng Thương hiệu Nhà tuyển dụng là chuyện sớm muộn mà các doanh nghiệp từ SME, MNC cho đến startup cần để mắt đến và nhúng tay thực hiện càng sớm càng tốt. Và một mục tiêu quan trọng cần lưu ý khi xây dựng Thương hiệu Nhà tuyển dụng là tính nhất quán và đủ hấp dẫn đối với ứng viên.
4. EVP – Định vị giá trị nhân viên càng tốt, chất lượng nhân tài càng cao
Xu hướng nhân sự làm mưa làm gió trong thị trường tuyển dụng và đang từng bước chứng tỏ công năng tích cực của mình là EVP (định vị giá trị nhân viên). Các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả bộ EVP của họ có thể giảm tỷ lệ nhân viên nghỉ việc hàng năm xuống 70% (theo Gartner). Chỉ 31% các nhà quản lý nhân sự cho rằng nhân viên của họ hài lòng với bộ EVP hiện tại và 65% ứng viên tiết lộ rằng họ thực sự đã ngừng ứng tuyển với một số công ty do EVP không hấp dẫn và phù hợp (theo Gartner).
Ngày nay, các người tìm việc đang tìm kiếm nhiều thứ hơn ở một công ty, môi trường thay vì chỉ là một khoản thu nhập. Nhân tài có thể tùy chọn nhà tuyển dụng mà họ muốn đầu tư thời gian vào, và dễ dàng nghiên cứu và đánh giá danh tiếng của công ty qua internet (báo chí, website, Facebook, Linkedin, Instagram,…).
Bên cạnh những phúc lợi hấp dẫn thì văn hóa doanh nghiệp của bạn chính là yếu tố quyết định hàng đầu liệu một ứng viên có chọn bạn hay chọn đối thủ cạnh tranh của bạn. Vì thế, một bộ định vị giá trị nhân viên (EVP) hấp dẫn và phù hợp với insight tổ chức và thị trường nhân lực là nền tảng để doanh nghiệp bạn trở nên nổi bật và lôi cuốn nhân tài mục tiêu.
5. Chuyển đổi kĩ thuật, số hoá quy trình
Cách mạng 4.0 tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong điều hành và phát triển doanh nghiệp, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân tài giúp các nhà tuyển dụng dễ dàng tiếp cận với các ứng viên có phù hợp và tài năng. Sự phát triển của số hóa, tự động hóa và robot sẽ tác động không nhỏ đến công việc của các giám đốc nhân sự trong 2-3 năm tới đây. Tất nhiên, điều này sẽ tạo thuận lợi cho công việc hàng ngày bằng cách loại bỏ các thao tác thủ công và tăng tốc các quy trình xử lý dữ liệu.
Xu hướng này sẽ mang lại cho lĩnh vực nhân sự nhiều cơ hội hơn cho các quy trình như lập kế hoạch, huấn luyện và phát triển, đồng thời thay đổi vai trò của các nhà quản lý nhân sự. Thông qua công nghệ, nhà tuyển dụng có thể tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc để tuyển dụng được một ứng viên.
6. Làm việc linh hoạt trở thành tiêu chuẩn mới
Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động với một đội ngũ nhân sự đa dạng bao gồm sự kết hợp giữa người làm việc full time, part-time, freelancer và intern.
Chính bởi, các hình thức nhân sự khác nhau không đồng nhất về giờ giấc làm việc, khoảng cách địa lý giữa các team trong nước và nước ngoài, và nhu cầu cá nhân riêng (điển hình là mẹ bỉm sữa) đòi hỏi doanh nghiệp có sự linh hoạt về mô hình làm việc (remote, hybrid) thay vì thường trực tại văn phòng mỗi ngày.
Do đó, ngày càng nhiều nhà tuyển dụng đưa ra các giải pháp hấp dẫn, sáng tạo hơn trong phương thức làm việc bao gồm sự linh hoạt về địa điểm, thời gian, thời lượng,… nhằm tạo ra sự khác biệt cho Thương hiệu Nhà tuyển dụng của họ và xây dựng một nơi làm việc hấp dẫn hơn cho các ứng viên tiềm năng.
Đây là một lợi ích hấp dẫn cho những người lao động tự do, những nhân tài thích làm việc ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào họ muốn. Đơn cử là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, viết lách, thiết kế,…Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, xu hướng này “được nước tấn tới” và giúp kết nối người và việc từ mọi miền tổ quốc và ở khắp nơi trên thế giới.
7. Nhà tuyển dụng chủ động tìm kiếm những ứng viên ‘không chủ động’
Những ứng viên “không tích cực tìm việc” là những ứng viên thụ động. Họ hoàn toàn có thể là những người hiện đang làm việc, sẵn sàng cởi mở để nghe về các cơ hội việc làm mới nhưng lại khá do dự có nên nộp đơn hay không.
Nếu được tiếp cận và giới thiệu cơ hội mới tiềm năng một cách nhiệt tình, họ thường là những đối tượng có khả năng phù hợp cao, tính tương thích và gắn bó cao. Cách tìm kiếm ứng viên không chủ động tìm việc chính là nuôi dưỡng mối quan hệ với những người tìm việc theo thời gian, để họ thấy được lý do tại sao nên cân nhắc thay đổi công việc và đến lúc chín muồi, họ sẽ là ứng viên sẵn có của bạn và nhân viên trung thành với tổ chức.
Xu hướng này đòi hỏi người làm nhân sự phải kiên trì theo đuổi, vì những ứng viên này thường khá kỹ lưỡng, cẩn trọng, “ăn chắc mặc bền”. HR cần phải chủ động và dành thời gian ở nơi các ứng viên “thụ động tìm việc” nhưng có năng lực thường xuyên lui tới (diễn đàn ngành, workshop, cộng đồng mạng xã hội, v.v.).
Với 7 xu hướng được dự đoán sẽ khuynh đảo ngành nhân sự trong năm 2023, HR Eduplus hy vọng sẽ hữu ích đối với chiến lược phát triển con người của doanh nghiệp bạn. Bắt kịp xu hướng càng sớm càng tốt là cần thiết, tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu, đánh giá nội tại doanh nghiệp với thị trường kỹ lưỡng để có chiến lược phù hợp cho các hoạt động nhân sự.