Dịp cuối năm là thời điểm bất cứ người lao động, nhân viên nào cũng mong chờ bởi đây là thời điểm họ nhận được thành quả sau một năm cống hiến và nỗ lực trong công việc. Vậy cùng HR Eduplus tìm hiểu những chế độ mà người lao động cần nắm rõ để đảm bảo quyền lợi của bản thân trong các khoản tiền lương, thưởng.
1. Thưởng Tết Dương Lịch
Theo Điều 104 của Bộ luật Lao động hiện hành:
Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Theo đó, khoản tiền thưởng Tết dương lịch cho người lao động không phải là khoản bắt buộc mà nó phục thuộc vào tình hình kinh tế của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều có chính sách thưởng vào dịp Tết dương lịch cho người lao động như một sự ghi nhận những đóng góp, nỗ lực cho một năm.
Mức thưởng Tết này có thể là 500.000 đồng, 1 triệu đồng hoặc một, vài tháng lương tuỳ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Tiền thưởng Tết Nguyên đán
Căn cứ vào Điều 104 của Bộ luật Lao động, thưởng Tết Nguyên đán cũng không phải là khoản chi bắt buộc của doanh nghiệp mà căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động để quyết định có thưởng tết cho người lao động không và thưởng bao nhiêu.
Dẫu vậy, trên thực tế, thưởng tết âm lịch vẫn luôn là khoản thưởng người lao động ngóng đợi nhất mỗi năm. Thưởng Tết Nguyên đán có thể coi là khoản thưởng lớn nhất trong năm người lao động có thể nhận được.
Theo Báo Lao Động: Mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bình quân 10 triệu đồng/người, cao nhất là 180 triệu đồng/người, thấp nhất là 0,3 triệu đồng/người.
3. Lương tháng 13 theo thỏa thuận với doanh nghiệp
Mặc dù không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng lương tháng 13 hiện đang được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Số tiền này thường được trả cho người lao động vào dịp cuối năm.
Doanh nghiệp chỉ bắt buộc phải chi trả lương tháng 13 nếu trước đó có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Hiện nay, lương tháng 13 thường được được xác định theo hai cách: Theo mức bình quân tiền lương trong năm; Theo mức lương tháng 12 của người lao động.
Tùy doanh nghiệp và thỏa thuận giữa các bên mà lương tháng 13 được chi trả sẽ áp dụng một trong hai cách tính trên.
4. Tiền nghỉ phép năm
Trước đây, theo Bộ luật Lao động 2012, người lao động vì lý do nào đó mà chưa nghỉ phép hoặc chưa nghỉ hết số ngày phép thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
Còn hiện nay, theo Bộ luật Lao động mới, người lao động chỉ được thanh tiền nếu không nghỉ phép hoặc chưa nghỉ hết ngày phép trong trường hợp nghỉ việc.
Như vậy, trường hợp cuối năm nay, người lao động nghỉ việc mà chưa nghỉ hết phép thì có thể đề nghị doanh nghiệp thanh toán khoản tiền này.
5. Tiền lương nếu đi làm trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán
Theo Bộ luật Lao động năm 2019, dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, người lao động được nghỉ làm mà vẫn được tính lương, nhưng do nhu cầu công việc, có thể doanh nghiệp chủ động đề nghị người lao động đi làm vào ngày này. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải đi làm nếu bản thân họ đồng ý. Trường hợp ép nhân viên đi làm vào ngày lễ, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 20 – 35 triệu đồng.
Khi đồng ý đi làm người lao động sẽ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
Đi làm vào ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương (ban ngày) ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Với người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
Theo quy định trên, nếu lựa chọn đi làm vào Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, tiền lương làm thêm giờ của người lao động sẽ được xác định như sau: Làm việc vào ban ngày tính thêm 300% lương của ngày làm việc bình thường. Nếu làm việc vào ban đêm tính thêm 390% lương của ngày làm việc bình thường.
Như vậy, nếu tính cả lương vốn dĩ được hưởng khi nghỉ, những người lao động đi làm vào ngày này sẽ được trả 400% lương (nếu làm ca ban ngày) hoặc 490% lương (nếu làm ca ban đêm).
6. Tiền chăm lo từ phía Công đoàn
Theo thông lệ, cuối năm, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thường tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán.
Năm nay, Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch 266, trong đó nêu một trong các hoạt động là thăm hỏi người lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người.