5 “cờ đỏ”của một văn hoá làm việc độc hại

Sẽ chẳng ai là người mong muốn văn hoá độc hại xuất hiện trong tổ chức của mình. Đôi khi, chúng ta cũng chỉ là một mắt xích nhỏ của một tổ chức và những dấu hiệu độc hại cũng thế, có thể rất nhỏ chỉ khi nhận ra thì sự tiêu cực đã lan toả khắp nơi.

Dưới đây là 5 dấu hiệu gắn “cờ đỏ” phổ biến của văn hoá độc hại, cùng HR Eduplus kịp thời nhận biết và điều chỉnh.

1. Thiếu minh bạch

“Bạn biết văn hoá công ty có vấn đề khi bước vào phòng, mọi người đang nói chuyện xôn xao bỗng dưng im bặt. Bạn biết văn hoá công ty có vấn đề khi cửa phòng sếp luôn đóng” – Liz Ryan, Biên tập viên Forbes.

Tính minh bạch ở đây, không chỉ là trong công việc, trong mục tiêu mà còn là kỳ vọng, con đường thăng tiến của cấp trên và nhân viên. Hệ thống hoá những quy chuẩn nghiệm ngặt, bên cạnh đó cần linh hoạt, trò chuyện với team thường xuyên, trong những buổi feedback hoặc 1-on-1. Đây là cơ hội để thấu hiểu mục tiêu của từng thành viên và giúp họ thực hiện hoá tầm nhìn của chính doanh nghiệp.

Minh bạch trong doanh nghiệp là sự cởi mở, đề cao và thực hiện có hiệu quả việc. Chia sẻ thẳng thắn và rõ ràng về tầm nhìn – sứ mệnh – giá trị cốt lõi, chiến lược, quy trình hoạt động và mọi kết quả đạt được của tổ chức lẫn nhân viên.

2. Xuất hiện những con sói đơn độc

Những con sói đơn độc (lone-wolf) ám chỉ những nhân viên tách bản thân ra khỏi tổ chức, làm việc theo “cách riêng” của họ. Đây có thể là những cá nhân có thành tích nổi bật, nhưng cũng là hiểm hoạ tiềm tàng của tổ chức.

Họ “dạy” các thành viên khác rằng những hành vi/thói quen xấu vẫn được chấp nhận, miễn là đạt được mục tiêu và lôi kéo người khác làm theo.

3. Cấp quản lý lạm quyền

Lạm quyền chính là thứ ăn mòn văn hoá và huỷ hoại doanh nghiệp nhanh nhất. Một sân khấu kịch với những tin đồn thất thiệt và drama không ngớt.

Quản lý độc đoán, thích trừng phạt, có xu hướng đàn áp, thậm chí là thiên vị trong công việc. Sự bất an cũng có thể diễn ra khi người quản lý không phản hồi mail, hạn chế giải đáp thắc mắc và thường lảng tránh xử lý vấn đề. Hãy đảm bảo cấp quản lý trong tổ chức của bạn, và cả chính bạn, có được sự tin tưởng từ nhân viên, thay vì dựa vào nỗi sợ để thúc ép họ làm việc.

Lãnh đạo bằng cách làm gương là cách hiệu quả nhất để có được sự tín nhiệm này.

4. Nhân sự thay đổi thường xuyên

Một người không thích công việc, đồng nghiệp hoặc tổ chức họ đang làm cùng, có xu hướng nghỉ việc cao hơn. Điều này nghe bình thường, nhưng vậy còn chi phí “thay nhân sự”?

Theo SHRM, tỷ lệ nghỉ việc cao do môi trường làm việc độc hại gây thiệt hại cho doanh nghiệp trên toàn thế giới 250 tỷ USD trong 5 năm qua.

Một nghiên cứu khác của Đại học Harvard cho rằng, chi phí của 1 nhân viên độc hại – người làm giảm động lực, hiệu suất làm việc của nhân viên khác và làm tăng tỷ lệ nghỉ việc – là vô cùng lớn. “Doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến 12.500 USD nếu tránh hoặc thoát khỏi một cá nhân độc hại”.

Nếu bạn đang gặp vấn đề trong việc giữ chân nhân sự, đó không chỉ đơn giản là công ty có vấn đề về tuyển dụng, mà nguyên nhân có thể sâu xa hơn.

5. Áp lực lấn át động lực

Khi động lực làm việc của nhân viên là áp lực vì sợ không đủ doanh số, không đạt KPI, và văn hoá “ăn thịt” hay “bị ăn thịt” trở nên phổ biến trong tổ chức, đó là dấu hiệu của một văn hoá độc hại.

Thay vì đe doạ nhân viên để khiến họ làm việc nhiều hơn, hãy tạo động lực làm việc theo cách tích cực và giúp họ phát triển (growth-based), tích cực xây dựng văn hoá làm việc thân thiện, hiệu quả.

Đến cuối cùng, điều quan trọng nhất vẫn là đưa ra lựa chọn để xác định hành trình sự nghiệp của mình. Bạn sẽ rời đi hay tiếp tục gắn bó với tập thể này? Văn hoá làm việc độc hại này? Nếu quá trình cải thiện sau nhiều cố gắng vẫn đi vào ngõ cụt, rất có thể việc tìm đến một công ty, doanh nghiệp khác mà bạn cảm thấy thoải mái, muốn gắn bó lâu dài sẽ là lựa chọn tốt hơn.

Nguồn Curieous

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết

Để lại bình luận

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận